BLOG: Một Việt Nam xanh hơn, sạch hơn và tốt đẹp hơn thông qua giảm phát thải carbon trong ngành giao thông vận tải

Đây là bài viết thứ ba trong chuỗi bài viết giới thiệu về các bài học kinh nghiệm đúc kết trong khuôn khổ hoạt động của chương trình NDC-TIA, lần lượt được công bố trong năm 2022.

〰️

Đây là bài viết thứ ba trong chuỗi bài viết giới thiệu về các bài học kinh nghiệm đúc kết trong khuôn khổ hoạt động của chương trình NDC-TIA, lần lượt được công bố trong năm 2022. 〰️


Tại Việt Nam, một quốc gia với 97 triệu dân, có tới 65 triệu xe máy và xe gắn máy được đăng ký, 1,5 triệu xe ô tô và 1 triệu xe tải. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, số lượng chủ sở hữu phương tiện giao thông tại quốc gia này đã tăng vọt: kể từ năm 2014 đến năm 2018, lượng xe ô tô con và xe máy được đăng ký đã tăng lên tương ứng là 15%/năm và 9%/năm. Sự gia tăng chưa từng thấy của phương tiện giao thông cơ giới đã dẫn đến một loạt vấn đề: lượng phát thải khí nhà kính (KNK) từ giao thông vận tải chiếm tới 11% tổng lượng phát thải KNK quốc gia, ngành giao thông cũng là một trong những ngành gây ô nhiễm không khí lớn nhất và hằng năm có tới 60.000 ca tử vong được cho là do không khí bị ô nhiễm.

Việt Nam đã sẵn sàng hành động để thay đổi những con số đáng lo ngại này. Việt Nam đã đệ trình bản cập nhật cam kết khí hậu của quốc gia. Trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2020, Việt Nam cam kết đến năm 2030, với nguồn lực trong nước, sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng mức giảm phát thải lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế. Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam công bố mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Vào tháng 7 năm 2022, Việt Nam đã khẳng định mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không thông qua việc luật hóa nội dung này. Chiến lược khí hậu quốc gia mới đã được thông qua theo Quyết định số 876/QD-TTg, trong đó vạch ra các mục tiêu giảm phát thải KNK lên tới 44% so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030, phát thải KNK đạt đỉnh vào năm 2035 và đạt mức phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỷ này. Vào tháng 11 năm 2022, Việt Nam công bố NDC được cập nhật mới, theo đó, mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện tăng từ 9% lên 15,8% và mức đóng góp giảm phát thải có điều kiện tăng từ 27% lên 43,5%.

  • Dự án Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á (NDC-TIA), được tài trợ bởi Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu của Cộng hòa Liên bang Đức (BMWK) thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế, đang nỗ lực giúp đỡ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không. Dự án sẽ hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam trong việc xây dựng khung chính sách cho giao thông điện, triển khai hệ thống kỹ thuật số phục vụ giám sát, báo cáo và xác minh trong ngành giao thông vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho các quy định về tiết kiệm nhiên liệu và xây dựng các kịch bản hướng dẫn chính sách để đạt được phát thải ròng bằng không trong ngành giao thông vận tải vào năm 2050.

Thông qua các cuộc phỏng vấn với các đối tác của dự án NDC-TIA, Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch (ICCT), Agora Verkehrswende và Sáng kiến Đối tác giao thông bền vững, các bon thấp (SLOCAT Partnership), chúng tôi đã tổng hợp và rút ra bốn ý tưởng chính để thúc đẩy NDC của Việt Nam và chuẩn bị cho sự chuyển dịch trong ngành giao thông vận tải. 

Xem bài viết này bằng tiếng Anh - Read this blog in English


Hợp nhất các tầm nhìn cho ngành giao thông không phát thải  

Tương ứng với tầm nhìn của Chính phủ quốc gia, đã có những gia tăng về nhận thức và tập trung phát triển giao thông điện ở cấp địa phương.

Góc nhìn từ trên không ở Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố được lựa chọn để thí điểm triển khai tầm nhìn và các mục tiêu về giao thông điện của Việt Nam.

Để có thể tận dụng thành công những thay đổi chính sách nhằm thực hiện giảm phát thải các bon trong ngành giao thông vận tải, điều bắt buộc là phải có sự liên kết về tầm nhìn và những nỗ lực tập thể để đảm bảo hỗ trợ và thực hiện hiệu quả ở tất cả các cấp. Sau khi phê duyệt chiến lược khí hậu quốc gia, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh tiếp theo đó đã đưa ra các bước rõ ràng để giảm lượng khí thải các bon và mê tan từ giao thông. Điều này được củng cố bằng các mục tiêu cụ thể theo các phương thức giao thông: 100% xe buýt vận hành bằng điện và năng lượng xanh vào năm 2025; loại bỏ dần việc sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040 và xây dựng một “mạng lưới giao thông xanh toàn diện” bao gồm tất cả các phương thức giao thông vào năm 2050. 

Nhận thức được vai trò của ngành giao thông vận tải trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đang phối hợp với các bộ ngành khác để lồng ghép giao thông vận tải vào các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia. Ví dụ, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030  nêu bật các hành động giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu trong ngành giao thông, kêu gọi đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông xanh và ưu tiên các giải pháp giao thông điện. Dự án NDC-TIA đang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng và triển khai hệ thống giám sát, báo cáo và xác minh nhằm theo dõi tiến độ của các hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu. Để xây dựng và nâng cao năng lực về biến đổi khí hậu cho các cán bộ trong ngành giao thông, GIZ đã tổ chức nhiều khóa đào tạo để xác định và ưu tiên các hành động giảm thiểu phát thải KNK trong ngành giao thông. 

Tương ứng với tầm nhìn của Chính phủ quốc gia, đã có những gia tăng về nhận thức và tập trung phát triển giao thông điện ở cấp địa phương. Thành phố Hồ Chí Minh, được lựa chọn là thành phố thí điểm  của dự án NDC-TIA, sẽ khởi động lộ trình giao thông điện đầu tiên vào đầu năm 2023. Để hỗ trợ thành phố xây dựng lộ trình này, Viện Tài nguyên Quốc tế WRI, cùng với sự hỗ trợ của GIZ, đã thực hiện các phân tích lợi ích chi phí cho các loại xe điện khác nhau, gồm có xe ô tô, xe hai bánh, xe taxi và xe buýt, đồng thời xác định nhu cầu năng lượng cho điện khí hóa quy mô lớn và cung cấp những khuyến nghị phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.  Các phân tích sơ bộ cho thấy mỗi chiếc xe điện mới có thể tạo ra lợi ích ròng mỗi năm là 750 USD (18 triệu đồng) trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2050 tại Thành phố Hồ Chí Minh, và đóng góp cao nhất vào việc giảm phát thải từ các loại ô tô và phương tiện giao thông công cộng. Đây có thể là các thông tin hữu ích cho các quyết định chính sách trong tương lai và giúp nhân rộng các giải pháp cho các thành phố khác.

Thúc đẩy sự thay đổi thông qua cách tiếp cận mang tính hệ thống

Các hoạt động của dự án NDC-TIA giúp đảm bảo quá trình chuyển dịch sang giao thông điện ở Việt Nam không bị quản lý tách biệt với các chính sách đô thị khác, mà là một chương trình thống nhất về năng lượng, biến đổi khí hậu, y tế, tạo việc làm và công bằng xã hội.

Các que hương màu đỏ tươi đại diện cho các bên liên quan khác nhau cần phối hợp cùng làm việc.

Để ứng phó với tính phức tạp của các giải pháp giảm thiểu các bon, các cơ quan của chính phủ cần phối hợp và thực hiện một cách tiếp cận mang tính hệ thống và dựa trên bằng chứng để đưa ra các quyết định phù hợp và thúc đẩy định hướng thay đổi đúng đắn. Các hoạt động của dự án NDC-TIA đã hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải trong việc phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng các lộ trình và kế hoạch hành động cho giao thông điện. Giữa đại dịch Covid-19, hội thảo khởi động dự án được tổ chức vào năm 2021 vẫn thu hút được sự tham dự của hơn 80 đại diện từ các cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phát triển. Thông qua các cuộc họp điều phối quy mô nhỏ, GIZ đã thu hút sự tham gia của các quan chức chính phủ từ Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương để cân nhắc kỹ nội dung phát triển giao thông điện, đồng thời nâng cao kiến thức và nhận thức về vấn đề này. Theo đó, các hoạt động của dự án NDC-TIA giúp đảm bảo quá trình chuyển dịch sang giao thông điện ở Việt Nam không bị quản lý tách biệt với các chính sách đô thị khác, mà là một chương trình thống nhất giữa các cơ quan chức năng của nhà nước và quá trình chuyển dịch này sẽ không chỉ bao gồm quy hoạch ngành giao thông mà còn tích hợp các vần đề khác như năng lượng, biến đổi khí hậu, y tế, tạo việc làm và công bằng xã hội. 

Để cung cấp kinh nghiệm thực tế cho Việt Nam trong việc chuẩn bị cho một tương lai với giao thông sạch, dự án NDC-TIA đã đối chiếu và so sánh các ví dụ thực tiễn quốc tế tốt nhất liên quan đến các lộ trình giao thông điện , đã tiến hành đánh giá những thách thức và cơ hội cho điện khí hóa, đã tổ chức một chuyến tham quan học tập tại Châu Âu và tổ chức các hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia về giao thông điện. Những hoạt động này đã giúp các cơ quan hữu quan của chính phủ hiểu rõ hơn các nội dung cần được thực hiện, đó là phải xây dựng các lộ trình cụ thể và khung pháp lý để tạo ra một hệ thống giao thông không phát thải, cũng như làm thế nào để xây dựng hệ thống này, liên quan đến các nguồn lực và khoản đầu tư cần thiết để giảm phát thải các bon trong ngành giao thông vận tải một cách hiệu quả và thành công.  

Ưu tiên điện khí hóa xe hai bánh và xe buýt công cộng

Dự án NDC-TIA đang thực hiện phân tích chi tiết để giúp cung cấp thông tin cho các chính sách của chính phủ nhằm điện khí hóa xe máy và xe gắn máy và nỗ lực hỗ trợ xây dựng giao thông công cộng chất lượng cao tại Việt Nam.

Xe máy và xe buýt trung chuyển là những phương tiện ưu tiên điện khí hóa ở Việt Nam, ảnh chụp từ Đà Nẵng.

Xe hai bánh, bao gồm xe máy và xe gắn máy, chiếm tới 90% xe cơ giới ở Việt Nam và phần lớn là các xe chạy động cơ đốt trong. Tuy nhiên, quá trình giảm phát thải các bon cho mô hình giao thông này đã bắt đầu: tính đến tháng 6 năm 2020, đã có 1,35 triệu xe hai bánh chạy điện đang vận hành và doanh số bán của các sản phẩm này đã tăng đáng kể từ năm 2019 đến năm 2020, với thị phần tăng từ 5% lên 8%. Vinfast – nhà sản xuất ô tô trong nước trực thuộc tập đoàn Vingroup, tập đoàn lớn nhất Việt Nam – đã thiết lập mạng lưới trạm đổi và thuê pin cho xe hai bánh chạy điện tại nhiều thành phố trên cả nước.  

Để cung cấp thông tin cho Chính phủ trong quá trình xây dựng các chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch này, Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch (ICCT) đã thực hiện một phân tích chi tiết và xác định dữ liệu cơ sở về tiêu thụ nhiên liệu của mô hình giao thông này. Phân tích này sẽ hỗ trợ cho việc thiết lập các quy định về tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải từ các phương tiện hiện có. 

Dự án NDC-TIA cũng đang nỗ lực hỗ trợ xây dựng giao thông công cộng chất lượng cao. Được thúc đẩy bởi những đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân cùng với những nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy giao thông bền vững, thị trường xe buýt điện ở Việt Nam đã dần dần thay đổi. VinBus sẽ triển khai 150 đến 200 xe buýt điện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc. Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang thí điểm xe buýt điện trên 5 tuyến đường và cung cấp hỗ trợ tài chính cho đơn vị vận hành trong giai đoạn thí điểm kéo dài 24 tháng. GIZ đã hỗ trợ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong việc phát triển các cơ chế tài chính cho việc sử dụng xe buýt điện và đang có kế hoạch tiếp cận và thu hút các ngân hàng phát triển để huy động các nguồn lực mới.  

Các hoạt động tiếp theo  

Dự án NDC-TIA đang thực hiện phân tích chi tiết để giúp cung cấp thông tin cho các chính sách của chính phủ nhằm điện khí hóa xe máy và xe gắn máy và nỗ lực hỗ trợ xây dựng giao thông công cộng chất lượng cao tại Việt Nam.

Giống như những bàn tay nâng đỡ Cầu Vàng ở Đà Nẵng, dự án NDC-TIA và các đối tác quốc tế sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết về khí hậu.

Một mạng lưới giao thông xanh và giảm phát thải các bon không chỉ đơn giản là thay đổi cách cung cấp năng lượng cho các phương tiện giao thông đường bộ. Thay vào đó, điều này có nghĩa là giúp tất cả những người tham gia giao thông tận dụng tốt hơn không gian hạn chế của đường bộ và cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho các phương thức giao thông.  

Để hạn chế tăng trưởng phát thải, cần có một gói chính sách toàn diện có thể cung cấp các ưu đãi phù hợp và tạo ra các khoản đầu tư cho các giải pháp giao thông các bon thấp. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tại Việt Nam, Quy hoạch tổng thể hạ tầng giao thông với chi phí ước tính lên tới 65 tỷ đô la Mỹ, sẽ hướng tới mục tiêu củng cố cơ sở hạ tầng quốc gia, bao gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay. Chiến lược phát triển giao thông đường sắt của Việt Nam cũng đặt ra các kế hoạch cụ thể cho việc phát triển và mở rộng mạng lưới đường sắt vào năm 2030. Đồng thời, Quy hoạch tổng thể đường thủy nội địa của Việt Nam cũng kêu gọi kết nối nhiều hơn các tuyến đường thủy và cung cấp các ưu đãi cho các công ty tư nhân trong việc khai thác tiềm năng vận tải hàng hóa bền vững.   

Khi các nhà lãnh đạo thế giới hướng tới bước tiếp theo về các cam kết khí hậu sau COP27, Việt Nam có thể khẳng định quyết tâm chính trị bền vững, các tham vọng cao hơn và các hành động ngay lập tức liên quan đến giảm phát thải các bon trong ngành giao thông vận tải. Nhưng chúng ta vẫn còn có thể làm được nhiều hơn nữa. Việt Nam đã cam kết cắt giảm phát thải KNK ở mức 15,8% trước năm 2030 với nguồn lực trong nước. Và với hỗ trợ quốc tế, Việt Nam dự kiến có thể tăng mức giảm phát thải lên tới 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường. 

Ngoài ra, bài viết này cũng được đăng tải trên TheCityFix trong mục Năng lượng + Biến đổi khí hậu ngày 28 tháng 11 năm 2022.


Tác giả: Yiqian Zhang.

Nội dung được thực hiện bởi Stephanie Ly (WRI), Đặng Tuyết Ly và Urda Eichhorst (GIZ), Francisco Posada (ICCT), Angel Cortez và Nikola Medimorec (SLOCAT) và Ernst Benedikt Riehle (Agora). Các cuộc phỏng vấn được hỗ trợ bởi Yifan Ding và Yaya Liu (WRI). Nội dung dịch thuật được thực hiện bởi CTM Connect.

Ảnh bìa do Nguyễn Anh Tuấn (GIZ) thực hiện. Các hình ảnh khác do Tron Le, Trinity Treft, Dylan Lu, và Sandip Roy via Unsplash thực hiện.

WRI Ross Center for Sustainable Cities

WRI Ross Center for Sustainable Cities is World Resources Institute’s program dedicated to shaping a future where cities work better for everyone. Together with partners around the world, we help create resilient, inclusive, low-carbon places that are better for people and the planet. Our network of more than 500 experts working from Brazil, China, Colombia, Ethiopia, India, Indonesia, Kenya, the Netherlands, Mexico, Turkey and the United States combine research excellence with on-the-ground impact to make cities around the world better places to live.

https://wri.org/cities
Previous
Previous

EVENT RECAP: Modelling Pathways for Zero Emission Transport Systems in India

Next
Next

BLOG: A Greener, Cleaner, and Better Vietnam Through Transport Decarbonization